Nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 5 trị giá hơn 38 nghìn tỉ

Dự án xây dựng công trình đường sắt đô thị TP.HCM (tuyến Metro số 5), giai đoạn 1 bắt đầu từ Ngã tư Bảy Hiền đến Cầu Sài Gòn. Hiện các đơn vị có liên quan đang tiếp thu và giải trình các ý kiến thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước đối với dự án làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2020.

Sau đó, dự án này sẽ được trình Quốc hội thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án.

Tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư hơn 38 nghìn tỉ. Ảnh: MAUR.

Tuyến Metro số 5 là một phần của tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo hành lang đường Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, kết nối nhiều tuyến đường sắt đô thị của TP trong tương lai. Bao gồm tuyến metro số 1 tại Cầu Sài Gòn, tuyến metro số 3b tại Ngã tư Hàng Xanh, tuyến metro số số 4 tại Ngã tư Phú Nhuận, tuyến metro số 4b tại Công viên Hoàng Văn Thụ và tuyến metro số 2 tại Ngã tư Bảy Hiền.

Theo Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải, dựa trên báo cáo nghiên cứu của Tư vấn IDOM trước đây thì dự án có chiều dài khoảng 8,9 km (đoạn ngầm dài 7,46 km và đoạn trên cao dài 1,43 km), gồm 8 nhà ga (7 ga ngầm và 1 ga trên cao).

Dự án này sử dụng công nghệ cơ bản tương thích với tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,66 tỷ USD, tương đương 38,7 nghìn tỉ đồng, được hợp vốn tài trợ bởi Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB). Dự kiến thời gian xây dựng từ năm 2025 đến năm 2029 và đưa vào khai thác từ năm 2030.

Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cho biết đơn vị cũng đang tích cực phối hợp với Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và một số nhà đầu tư từ quốc gia này để sớm ký kết một biên bản ghi nhớ hợp tác cùng xúc tiến đầu tư tuyến metro số 5 – giai đoạn 2 theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

MAUR cho biết cùng với tuyến Metro số 1 và số 2 của TP.HCM hiện đang được triển khai thi công, việc sớm đầu tư xây dựng tuyến metro số 5 sẽ giúp nối kết 2 tuyến này để tạo thành một mạng lưới, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Hệ thống giao thông công cộng này sẽ góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.


Nguồn: Báo PLO

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm