Ngoại thành Hà Nội nghi ngút khói rơm rạ

Những ngày này, trên các cánh đồng ở một số huyện nngoại thành đang bước vào vụ gặt, người dân đốt rơm rạ tại ruộng gây nên cảnh khói trắng dày đặc.

Mới bắt đầu vào mùa gặt, nhưng hầu hết những cánh đồng tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có những mảng màu đen nham nhở do thói quen đốt rơm rạ của người dân nơi đây.

Ghi nhận của PV tại cánh đồng xã Vân Côn và xã An Thượng, huyện Hoài Đức người dân đang vào vụ gặt. Phần lớn rơm sau khi gặt xong được đốt ngay ngoài đồng.

Trước đây, gặt xong người nông dân thường mang rơm rạ về sân nhà đánh đống để trâu, bò ăn, ủ phân hoặc làm chất đốt.

Tuy nhiên, giờ đây việc đồng áng cày cấy sử dụng máy móc. Nhà nông không còn nhu cầu sử dụng rơm rạ nữa.

Vì thế, gặt xong để một thời gian cho rơm khô họ đốt ngay tại cánh đồng.

Số rơm rạ sau khi gặt xong được bỏ không ngoài đồng chờ khô rồi đốt.

Một người dân xã An Thượng, huyện Hoài Đức cho biết: “Trước kia sau khi thu hoạch lúa xong , rơm được người dân phơi khô để mang về đun nấu. Nhưng giờ không còn đun bếp này nữa nên rơm chỉ mang một ít về cho trâu, bò ăn, rơm đẹp để bán. Gốc rạ thì đốt tại cánh đồng để lấy tro làm phân cho vụ sau”.

Khắp cánh đồng rộng lớn, mỗi buổi chiều đến khói lại phủ trắng.

Bụi, tro từ đốt rơm rạ bay khắp nơi.

Càng về chiều, khói rơm rạ càng nhiều, gây khó chịu sức khỏe.

Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở làm ảnh hưởng tới môi trường không khí và sức khỏe con người.

Một phần khói từ những vụ đốt rơm rạ này bay vào nội thành, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng.

Để khắc phục tình trạng này, Hà Nội đã triển khai kế hoạch hạn chế, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ vào năm 2020.

Nguồn: Báo PL&XH

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm