Người nuôi tằm tại Lâm Đồng gặp khó khi giá kén giảm sâu

Lâm Đồng hiện có khoảng 14.500 hộ trồng dâu, nuôi tằm với gần 8.300 ha chiếm 70% diện tích dâu cả nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều hộ chăn nuôi tằm tại Lâm Đông gặp khó khi giá kén tằm giảm mạnh và nhiều cơ sở ngừng thu mua.

Trước dịch bệnh Covid-19, với 5 sào đất trồng dâu, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng thường xuyên nuôi từ 2 đến 3 hộp trứng tằm, thu lãi hơn 15 triệu đồng sau nửa tháng. Thế nhưng thời gian gần đây, giá kén tằm xuống thấp khiến gia đình chị mất nguồn thu.

“Đầu năm tôi nuôi bán 160.000 đồng/kg kén, giờ thì giá chỉ còn 90.000 đồng/kg có khi xuống 80.000 đồng/kg, tôi không muốn nuôi nữa nhưng không nuôi bỏ dâu đi cũng phí, đây là dâu của nhà nếu như dâu đi thuê thì lỗ nặng” - chị Hoa nói.

Người nuôi tằm gặp khó khi giá kén giảm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quang, ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, cũng chẳng còn thu nhập đáng kể với nghề dâu tằm.

“Đợt này bán kén chỉ đủ tiền phân chứ chẳng có công. Nhà có dâu tôi mới phải nuôi, bởi trừ giống với phân với ngày công cũng hết” - ông Quang chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hương một chủ cơ sở ươm tằm giống và thu mua kén ở huyện Lâm Hà chia sẻ, không chỉ hộ nuôi tằm gặp khó mà nhiều cơ sở thu mua kén cũng ngưng thu mua vì các doanh nghiệp không xuất khẩu được tơ.

“Riêng con kén đến ngày thứ 4 mà chưa bán được là người dân khổ rồi, đến đại lý thu mua thêm 3 ngày nữa là 7 ngày mà không cho kho lạnh là nó chết. Giá kén xuống cũng tội cho người dân nhưng bây giờ nhà ươm cũng phải chịu đóng cửa vì không có tiền” - bà Hương cho biết.

Kén tằm khó bán vì dịch Covid-19.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi-thú y và thủy sản Lâm Đồng khuyến cáo, nếu giá kén tiếp tục xuống thấp người nuôi tằm cần giảm số lượng nuôi, đồng thời phải cắt bỏ dâu quá lứa và chăm sóc vụ dâu mới.

“Do thị trường Ấn Độ chưa được thông quan vì dịch bệnh Covid-19, khiến cho người trồng dâu, nuôi tằm gặp khó khăn trong việc xuất bán sản phẩm. Tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyến cáo hiện tại người dân nên trồng và sản xuất kén tằm theo chuỗi ổn định đầu thu gom kén” - ông Long cho hay.

Dâu là một trong 6 loại cây trồng chủ lực của tỉnh Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Người trồng dâu nuôi tằm và doanh nghiệp dâu tằm ở tỉnh Lâm Đồng đang tự gắng vượt qua khó khăn nhưng cũng cần được sự trợ giúp phù hợp và kịp thời./.


Nguồn: Báo VOV

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm