Nguồn lao động ngành dịch vụ dần phục hồi và những con số tăng trưởng ngoạn mục

Sự trở về của lao động cũ cộng thêm lực lượng mới gia nhập cho thấy sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của ngành du lịch.

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 7/2022, Việt Nam đón 352,6 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 49% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022 đón 954 nghìn lượt, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ.

Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trong 7 tháng đầu năm đạt 62%/tháng.

Tăng trưởng khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm đạt trung bình 62%/tháng. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất với 196,2 nghìn lượt. Trong 10 thị trường hàng đầu có 4 thị trường ở khu vực Đông Bắc Á, 4 thị trường ở Đông Nam Á, cùng với Mỹ, Úc. Các thị trường từ châu Âu đang phục hồi với tốc độ khá nhanh.

Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Lượng giấy phép được Tổng cục Du lịch thẩm định và cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đang gia tăng nhanh so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép.

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã ban hành 46 Quyết định công nhận đối với cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao, trong đó có 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 35 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao và 2 căn hộ du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%.

Người lao động đến ứng tuyển tại 1 khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Quảng Nam.

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%.

Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%.

Việt Nam tiếp tục nằm trong top những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50% - 75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ. Cùng xu hướng này, nhu cầu du lịch nội địa cũng như du lịch outbound của khách Việt cũng đang gia tăng nhanh trong mùa du lịch hè năm nay.

Trước những diễn biến mới của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã cùng với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không và các điểm đến lên kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường gần khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu.

Tổng cục Du lịch tham gia, giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế JATA (JATA Tourism Expo) tại Nhật Bản (22-25/9/2022): Đây là hội chợ du lịch quốc tế hàng đầu trong khu vực, tập trung thu hút khách du lịch Nhật Bản, một trong những thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam; Tham gia Hội chợ Du lịch thế giới WTM (World Travel Market) tại Vương quốc Anh (7-9/11/2022): Đây là hội chợ du lịch quốc tế lớn hàng đầu thế giới, tập trung các đối tác lớn từ khắp nơi trên thế giới.

Còn tại trong nước, Tổng cục giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC (International Travel Expo) tại Tp.Hồ Chí Minh (8-10/9/2022): Đây là một trong 2 hội chợ du lịch quốc tế thường niên lớn nhất của Việt Nam, cùng với Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) được tổ chức vào tháng 4; Tổ chức chương trình xúc tiến du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mekong (MTF) tại Hội An, Quảng Nam (9-14/10/2022): Đây là sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng

Tổng cục Du lịch cũng sẽ tổ chức các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Bắc Mỹ, Úc…), đón các đoàn FAM/Press từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam.

Bài toán dài hạn cho người lao động

Bên cạnh các sự kiện tuyển dụng, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn cũng tìm nhiều cách bổ sung nhân lực để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Nhiều đơn vị săn đón sinh viên và lao động chưa có kinh nghiệm như một giải pháp trước mắt trong mùa cao điểm, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo để chuẩn bị nhân lực cho những giai đoạn tiếp theo.

Khu nghỉ dưỡng Alma (Khánh Hòa) vừa tuyển thêm khoảng 200 nhân viên mới để đảm bảo chất lượng dịch vụ đẳng cấp theo tiêu chuẩn 5 sao. Theo quản lý khu nghỉ - bà Vũ Hương Giang, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, khách sạn sẵn sàng tuyển dụng và đào tạo từ đầu đối với các sinh viên, lao động chưa có kinh nghiệm.

"Điều thực sự quan trọng mà chúng tôi tìm kiếm là thái độ 'Tôi có thể làm được'. Chỉ cần có tinh thần ham học hỏi thì người lao động có thể tiến rất xa trong ngành khách sạn", bà Giang chia sẻ với VOV.

Từ phía các đơn vị lữ hành, ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group cho biết: "Lúc này doanh nghiệp rất cần bổ sung nhân lực, riêng Lux Group cũng cần tuyển thêm khoảng 35% đội ngũ. Chúng tôi đã thử mọi cách, như nhờ giới thiệu, đăng tin lên trang tuyển dụng, thuê đơn vị 'săn đầu người', kêu gọi lao động cũ trở về và thậm chí treo thưởng để tìm nhân viên. Công ty bỏ công sức đào tạo mới, cầm tay chỉ việc cho những người chưa có kinh nghiệm, chỉ cần họ có ngoại ngữ và thái độ tốt".

Ngoài ra, hàng loạt hợp tác phát triển nhân lực trong ngành du lịch đã diễn ra gần đây, như giữa trường Đại học Hòa Bình với 7 hệ thống khách sạn, nhà hàng để cung cấp hàng trăm lao động mỗi năm; hoặc giữa hãng hàng không Vietravel Airlines với 3 cơ sở đào tạo tại Hà Nội & Tp.HCM nhằm bổ sung hàng trăm phi công, tiếp viên hàng không và điều phái bay trong 5 năm tới.

Hơn 500 người đến ứng tuyển cho 70 vị trí tiếp viên hàng không.

Là đơn vị tích cực ký kết với các cơ sở đào tạo, ông Gentzsch André – Tổng Giám đốc điều hành Ariyana (Đà Nẵng) chia sẻ: "Chúng ta không thể ngồi im và than thở về chuyện thiếu nhân lực. Bản thân tôi và các đồng nghiệp phải đi khắp nơi, đến các cơ sở đào tạo để trò chuyện và kêu gọi sinh viên, người lao động trở lại với ngành. Với những người mới, chúng tôi hướng dẫn họ từng chút một và giúp họ có năng lực, sự tự tin để gắn bó với nghề".

Theo ông Gentzsch André, về lâu dài ngành khách sạn Việt Nam nên có các mô hình "vừa học vừa làm", tức là mỗi tuần sinh viên đều có ngày làm việc được hưởng lương, bên cạnh các buổi học trên trường. Phương pháp này không chỉ giúp người học gắn kết lý thuyết với thực tiễn và có thu nhập ngay, mà còn khiến khách sạn trở thành ngành nghề hấp dẫn người lao động.

Nguồn: nguoiduatin.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm