Nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng do giãn cách kéo dài

Việc giãn cách kéo dài cùng với nhiều nhà máy tạm ngưng hoạt động do không thể đáp ứng tiêu chí “3 tại chỗ” đang khiến cộng đồng doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng nội địa.

Thiếu nguyên liệu

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nói rằng, nhiều ngày nay, việc thu mua, vận chuyển nông sản từ các vùng nguyên liệu ở các tỉnh về TPHCM bị ách tắc. Kênh thu mua, phân phối truyền thống gần như đứt gẫy hoàn toàn, gây khó khăn cho người dân lẫn doanh nghiệp (DN) lương thực, thực phẩm trong việc tiếp nhận, tiêu thụ nông sản. “Một số DN sản xuất mì ăn liền đã phải thu hẹp sản xuất chỉ vì thiếu hành lá, tiêu... Trong thành phần công bố có phụ liệu này, nếu tự ý bỏ qua bất kỳ thành phần nào, đến khi cơ quan quản lý phát hiện sẽ bị xử phạt”, bà Chi lý giải nguyên nhân DN buộc phải giảm hoặc dừng sản xuất trong trường hợp thiếu nguyên phụ liệu.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TPHCM, giá nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là sắt, thép, vật liệu xây dựng tăng 30-40% so với cuối năm 2020, kéo chi phí sản xuất sản phẩm cơ khí tăng theo. “Các đơn hàng ký trước đều phải chịu lỗ, đơn hàng mới đang đàm phán với khách để điều chỉnh theo giá nhưng hầu như không có lợi nhuận. Việc giá nguyên liệu tăng khó kiểm soát khiến không chỉ nhà sản xuất mà cả nhà mua hàng cũng giảm nhịp để theo dõi diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới” - ông Tống nói.

Tình trạng thiếu nguyên liệu, đứt gẫy chuỗi cung ứng là vấn đề đang đặt ra. Đồng Nai hiện có trên 1.000 DN trong các khu công nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, mỗi DN chỉ duy trì được khoảng 1/3 số lượng lao động ở lại làm việc. Các DN giày da, may mặc có hàng chục ngàn công nhân lại rất khó đáp ứng “3 tại chỗ”. Việc giãn cách xã hội và ảnh hưởng của dịch tác động xấu đến kế hoạch sản xuất của các DN.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 cùng những biến cố trong ngành hàng hải, đã và đang tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng loạt vấn đề như biến động giá cước vận chuyển, thiếu hụt container rỗng, gián đoạn chuỗi cung ứng tạm thời, đã tạo nên “rào cản” cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics tại Việt Nam nói riêng. Hiện nay tình trạng thiếu container rỗng, thiếu chỗ trên tàu, giá cước tăng cao, kẹt cảng, số lượng tàu chờ, tàu trễ lịch đều xuất hiện ở các cảng lớn trên thế giới. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động các cảng, ICD khu vực phía Nam, dẫn đến tồn hàng tại các cảng.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, Trảng Bom), nói: “Đặc thù của ngành giày là sản xuất theo dây chuyền. Tình trạng ngưng trệ sản xuất không chỉ xảy ra với DN ngành giày da, mà có nhiều DN khác cùng ngành nghề, DN cung ứng nguyên vật liệu… khiến kế hoạch sản xuất ngưng trệ”.

Ông An Kyu Kang, Giám đốc Công ty Kolon Việt Nam, cho biết, Công ty rất cần tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, nhất là trên các tuyến giao thông và các thủ tục hải quan, bốc dỡ tại các cảng. Hiện nay, hàng hóa, nguyên liệu nhập vào được các ngành tạo điều kiện rất thuận lợi, nhưng các quy trình xuất hàng đi đang chậm lại, nhất là khâu vận chuyển, bốc dỡ.

Linh hoạt ứng phó

Để khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương, cho hay, các DN tại Bình Dương đã linh hoạt tìm nguồn nguyên liệu đầu vào từ châu Âu, ASEAN để không lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, nói: “Việc bố trí tạm trú cho người lao động nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, hạn chế thấp nhất số người lây nhiễm và có phương án thực hiện ứng phó khẩn cấp, tránh lây lan ra cộng đồng cũng như từ cộng đồng vào DN”.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, cho biết, ngành công thương đang kết hợp các ngành chức năng thành lập tổ hỗ trợ DN xuất nhập khẩu. Trước mắt, ngành công thương sẽ kịp thời nắm bắt khó khăn cấp bách của DN trong khâu xuất nhập khẩu hàng hóa để kiến nghị với UBND tỉnh, Bộ Công thương.

“Cục Hải quan chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn dịch bệnh, nhưng vẫn bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm công tác giám sát, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Các DN thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống hải quan tự động”, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, nói.

Theo khảo sát nhanh với 100 DN của Hiệp hội DN TPHCM, 5 tháng đầu năm 2021, các DN đang trên đà phục hồi, tăng trưởng nhưng do ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4, họ đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, 42% DN thiếu vốn kinh doanh, 54% khó tiếp cận thị trường…

Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital đánh giá: Dịch bệnh lần thứ tư tại Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nhà máy, làm gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có thể lạc quan về sự phục hồi sản xuất của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nguyên nhân là hàng hóa Việt Nam vẫn đang được các thị trường quốc tế ưa chuộng và không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

“Điều quan trọng lúc này là phải đảm bảo cho các nhà máy thực hiện tốt các biện pháp an toàn phòng chống dịch. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, giúp các công ty có thêm việc làm để tái tuyển dụng hoặc tuyển mới thêm nhân công” - ông Michael Kokalari cho biết.

Nguồn Tienphong

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm