Quan điểm phát triển của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tiếp xúc với cử tri Cần Thơ đầu tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 4 khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt. Thứ nhất là tình trạng già hóa dân số đáng báo động, nếu không có dự báo chiến lược thì sẽ bị động trong 5-10 năm tới. Thứ hai là cạn kiệt tài nguyên. Thứ ba là biến đổi khí hậu. Thứ tư là an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang rất khó lường, ví dụ như tình hình dịch bệnh. Từ khó khăn đó, Thủ tướng nhận định phải phát triển Việt Nam trên 3 trụ cột: Con người; thiên nhiên và văn hóa, truyền thống, lịch sử.

Nhắc lại quá trình 35 năm đổi mới của Việt Nam, Thủ tướng chỉ ra 3 trụ cột đổi mới. Đầu tiên là xóa quan liêu bao cấp. Ông cho rằng một số nơi còn cơ chế xin cho nên Việt Nam hiện nay vẫn phải tiếp tục xóa quan liêu bao cấp. Thứ hai là thừa nhận và phát triển đa thành phần kinh tế, gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể. Thứ 3 là hội nhập quốc tế. Đây là 3 trụ cột chính mà Việt Nam đang theo đuổi để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới với phương thức lãnh đạo sát với thực tế.

Dẫn chứng lại những chiến thắng của dân tộc ta trong chiến tranh, Thủ tướng nhấn mạnh thành quả đó là nhờ “ta đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của chúng ta”. Do đó, ông nhiều lần nhấn mạnh các địa phương phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để tự đi lên bằng nội lực của mình.

Để thực hiện hóa các chính sách, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các địa phương, đơn vị phải biết "chọn mục tiêu, chọn người, chọn việc để làm" nhằm đạt hiệu quả cao, có tác động lan tỏa trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định "cán bộ là gốc, mọi sự thành bại đều do cán bộ". Ông nhận định không nên cứng nhắc trong công tác cán bộ mà cần tìm ra giải pháp tốt nhất. Cán bộ tốt thì làm ở Bắc, Trung hay Nam đều tốt. Quan trọng là ở quy trình sàng lọc, tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng.

Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh việc càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm, càng phải phát huy dân chủ. Dù là vấn đề hạ tầng hay công tác cán bộ, ông nhận định phải huy động nguồn lực của sự đại đoàn kết và giữ đúng nguyên tắc tôn trọng trí tuệ tập thể.

Với các vướng mắc trong hạ tầng, Thủ tướng cho rằng phải huy động nguồn lực hợp tác công tư trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân, chia sẻ rủi ro. Ông dẫn chứng kinh nghiệm làm sân vận động, nhà khách, công viên, xây dựng trụ sở, đường cao tốc, sân bay, bến cảng tại Quảng Ninh, tất cả sử dụng hợp tác công tư. Thực tế cho thấy cách làm này đã thành công.

Đúc kết kinh nghiệm khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thủ tướng chỉ ra "khi có hạ tầng tốt, tự nhà đầu tư sẽ đến". Muốn thu hút doanh nghiệp lớn, tất cả là do chính quyền, do bài toán quy hoạch, giao thông, hạ tầng chiến lược và cải cách hành chính.

Nguồn Zing

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm