Smartphone sẽ 'thông minh' hơn như thế nào vào năm 2022?

Năm 2022, chúng ta sẽ trở thành trung tâm của vũ trụ 'thông minh' chỉ với một chiếc smartphone trong túi.

Thay vì tập trung vào các tính năng dễ dàng được đồn đoán, các nhà sản xuất đang có kế hoạch phát triển các sản phẩm smartphone của mình “thông minh” hơn vào năm 2022 như đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML), tăng khả năng tiếp cận với nhiều đối tượng và tập trung vào các tính năng chuyên biệt.

Học máy và trí tuệ nhân tạo

Cho dù điện thoại của bạn sử dụng hệ điều hành Android hay iOS, nó cũng cần đến công nghệ AI và ML để cải thiện tính năng và tăng trải nghiệm người dùng.

Một ví dụ điển hình là Chế độ chụp đêm (Night mode) trên điện thoại. Về cơ bản, chế độ này giúp ảnh của bạn đẹp hơn trong điều kiện thiếu sáng. Điện thoại của bạn tập hợp nhiều ảnh được chụp ở các độ phơi sáng khác nhau thành một ảnh duy nhất có độ phơi sáng sáng tốt nhất, chi tiết sắc nét và ít nhiễu ảnh hơn, sau đó AI sẽ giúp cân bằng màu sắc. Quá trình nay chỉ diễn ra trong vài giây, nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu sự trợ giúp của AI và ML.

Smartphone sẽ 'thông minh' hơn như thế nào vào năm 2022?

Vào năm 2022, AI và ML sẽ được sử dụng để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng nhiều hơn. Charmaine D'SIlva, Giám đốc sản phẩm nhóm Android của Google cho biết học máy sẽ là yếu tố cốt lõi của Android trong tương lai. Private Compute Core trong Android 12 sẽ giúp Google sử dụng ML để đổi mới trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật.

Học máy cũng sẽ làm cho điện thoại trở nên “mạnh mẽ” hơn bằng cách làm cho chúng thông minh hơn. Các smartphone có giá tầm trung không được trang bị bộ vi xử lý nhanh hay nhiều RAM nhất, nhưng với ứng dụng của ML, người dùng có quyền truy cập vào nhiều tính năng nâng cao mà trước đây chỉ có trên các điện thoại đắt tiền. Google đang sử dụng ML giúp các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android Go với giá dưới 50 USD có khả năng tương tự như một thiết bị chạy hệ điều hành Android 12.

Trí tuệ nhân tạo (AI) thường được sử dụng để kéo dài thời lượng pin mà không cần dựa vào thói quen sạc của người dùng hoặc kích thước pin nhà sản xuất lắp đặt. Nhưng vào năm 2022, điều này có thể sẽ thay đổi.

Oliver Zhang, người đứng đầu bộ phận sản phẩm của OnePlus cho biết các thuật toán AI sẽ dựa vào cảm biến và dữ liệu hành vi của người dùng để có các tùy chỉnh thông minh hơn giúp kéo dài tuổi thọ pin.

Mở rộng tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có hơn một tỷ người khuyết tật, tương đương với 15% dân số thế giới. Hiện tại, Apple và Google cam kết sẽ cải tiến hệ điều hành của mình để nhiều đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận hơn bao gồm cả những người khuyết tật.

Angana Ghosh, người phụ trách sản phẩm của Android Accessibility cho biết: “Trong hai năm qua, chúng tôi đã tập trung phát triển các tính năng như: tạo phụ đề trực tiếp (Live caption) cho những người khiếm thính trên Chrome và Android, cho phép mọi người xem video và nghe nội dung âm thanh trên web bằng cách sử dụng AI, hay ra mắt Talkback - tính năng chuyển các thao tác chạm trên màn hình thành giọng nói, hỗ trợ cho người khiếm thị và có thị lực kém điều khiển điện thoại của họ”.

Thêm vào đó, các smartphone sẽ nâng cao khả năng dịch và tự động dự đoán ngôn ngữ chính xác. Điện thoại và phần mềm sẽ được thiết kế đồng bộ hơn để có thể đại diện cho các nhóm đối tượng khác nhau với các ngôn ngữ đa dạng.

Chuyên dụng thay vì đa dụng

Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy các nhà sản xuất điện thoại đã không còn “mặn mà” với việc tập trung sản xuất các thiết bị có sức hấp dẫn rộng rãi. Thay vào đó là sự tập trung tăng cường vào việc sản xuất điện thoại cho những người dùng và nhóm cụ thể. Chẳng hạn như điện thoại dành riêng có các game thủ, các nhiếp ảnh gia hay các nhà làm phim.

Sony đã cải tiến dòng Xperia của mình để thu hút các nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và những người muốn dùng tận dụng smartphone để quá trình chụp ảnh hoặc quay video trở nên phong phú nhất có thể. Microsoft đã phát hành Surface Duo có màn hình kép để mang lại năng suất tốt hơn. Trong khi đó, Samsung, Motorola và Huawei tiếp tục đạt được những bước tiến trong lĩnh vực smartphone gập và phần mềm.

Điện thoại chơi game là một trong những phân khúc được các nhà sản xuất điện thoại hướng tới đầu tiên. Zhang cho biết, “Đối với các game thủ, smartphone có thể dựa trên tất cả các thông số khi chơi game của người dùng để tối ưu hóa trải nghiệm”.

Năm 2021 được cho là năm phát triển mạnh của các thiết bị gập, nhưng đại dịch và các áp lực về chuỗi cung ứng đã làm chậm lại quá trình đó. Công nghệ được thiết kế riêng cho điện thoại gập cũng ảnh hưởng đến các thiết bị khác. Ví dụ như trước đây chỉ có điện thoại cho các game thủ mới có màn hình với tốc độ làm tươi cao, nhưng giờ đây, hầu hết mọi điện thoại thông minh ở mọi mức giá đều có tính năng này.

Không chỉ phần cứng, phần mềm cũng được thiết kế để phục vụ cho các mục đích nhất định. Nhìn chung, AI giúp cải thiện tuổi thọ pin hoặc kiểm soát tốc độ làm mới của màn hình nhưng có những người muốn kiểm soát tất cả những điều đó.

Chih-Hao Kung, Giám đốc tiếp thị vùng bộ phận smartphone của Asus cho biết: “Những mong muốn này chính là thị trường ngách. Không thông minh đôi khi lại là loại thông minh tốt nhất. Nếu bạn muốn những thứ thông minh, chúng tôi sẽ thực hiện điều chỉnh tự động cho bạn. Bạn không phải làm gì cả, chỉ cần chạy nó. Nhưng nếu bạn muốn tùy chỉnh mọi thứ theo cách truyền thống, bạn vẫn có thể làm như vậy”.

Vào năm 2022, dự đoán người dùng sẽ có thể thực hiện những tùy chỉnh chuyên sâu với các dòng điện thoại với tính năng chuyên biệt này.

Không ai có thể phủ nhận smartphone đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong cuộc sống. Các thiết bị nhà thông minh (smarthome) và công nghệ xe hơi vẫn đang phụ thuộc vào smartphone. Trong tương lai khi các smartphone ngày càng thông minh, rời mắt khỏi chúng sẽ là một điều khó khăn hơn với người dùng.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/san-pham/smartphone-se-thong-minh-hon-nhu-the-nao-vao-nam-2022-809656.html

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm