Sức mua của Gen Z tăng mạnh, các thương hiệu 'đau đầu' tìm cách chiều lòng khách hàng trẻ tuổi

Các vị khách Gen Z không chỉ muốn mua hàng hóa mà còn muốn thể hiện giá trị bản thân thông qua những gì họ sử dụng.

Sự phát triển của mạng xã hội khiến thế giới quảng cáo hoàn toàn thay đổi. Để đáp ứng những kỳ vọng mới của Gen Z, các marketer giờ đây phải điều chỉnh lại các chiến lược truyền thông đã lỗi thời. Vậy chính xác thì họ cần làm gì để thu hút các vị khách trẻ tuổi này?

Theo báo cáo từ nghiên cứu của Snapchat và Omnicom Media Group, sức mua hiện tại của Gen Z được ước tính khoảng 150 tỷ đô la chỉ riêng ở Hoa Kỳ và 4,4 nghìn tỷ đô la trên phạm vi toàn cầu. Họ chính xác là tập khách hàng lớn, đại diện cho sức mua trong tương lai mà các công ty không thể bỏ qua.

Sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, thế hệ trẻ đã quá quen thuộc với các nội dung trên mạng xã hội. Họ bị thu hút bởi những nội dung thời sự nóng hổi, tạo nguồn cảm hứng, tác động đến cảm xúc và cho phép họ thể hiện giá trị của bản thân.

Ba phần tư Gen Z tham gia nghiên cứu nói rằng họ sẽ trung thành với các thương hiệu thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề xã hội (ví dụ như thực hiện chiến dịch quảng cáo hoặc đăng tin tức về một vấn đề đang nhức nhối trong cuộc sống). Các vị khách trẻ tuổi không chỉ muốn mua hàng mà còn muốn ủng hộ các thương hiệu có tác động tích cực đến xã hội.

Trên thực tế, 63% thanh niên được khảo sát cho biết họ có nhiều khả năng mua sản phẩm từ một thương hiệu có chính sách lao động công bằng và đối xử tốt với nhân viên, hoặc ít nhất là thương hiệu đó có ý thức thúc đẩy văn hóa làm việc lành mạnh cho nhân viên. 62% những người được khảo sát nói rằng họ muốn ủng hộ các thương hiệu có hoạt động sản xuất bền vững. 60% người dùng Snapchat thể hiện phản ứng nhanh hơn khi thấy một thương hiệu đăng nội dung chân thành, thực tế.

Gen Z muốn các giá trị và động lực của họ được phản ánh trong thông điệp của các thương hiệu mà họ sử dụng. Họ muốn chi tiêu cho các thương hiệu tham gia vào các vấn đề xã hội và thay đổi xã hội quan trọng đối với họ. Các thương hiệu cần phải có những chiến lược hành động thực tế, trung thực và minh bạch. Họ không chỉ có nhiệm vụ bán hàng mà còn phải nuôi dưỡng kỳ vọng cho các vị khách trẻ tuổi. Gen Z là thế hệ sống trong môi trường kỹ thuật số. Vì thế khi có vấn đề, tin tức, thông báo mới, các thương hiệu cần phải đưa ra phản hồi ngay lập tức. Gen Z sẽ cảm thấy họ được lắng nghe và coi trọng khi thương hiệu nhanh chóng phản ứng lại với vấn đề mà họ quan tâm.

Ngược lại, Gen Z sẽ có cái nhìn tiêu cực với các thương hiệu không phản ứng nhanh khi gặp tranh cãi hoặc bị buộc tội ngược đãi nhân viên. Điều này đã được chứng minh rất rõ thông qua tranh cãi gần đây của thương hiệu Balenciaga. Ngày 16/11, Balenciaga tung ra chiến dịch có tên Gift Collection trên mạng xã hội. Bộ ảnh trong chiến dịch được chụp bởi nhiếp ảnh gia từng đoạt giải thưởng của National Geographic, Gabriele Galimberti. Người mẫu của bộ ảnh là những đứa trẻ cầm những chiếc túi trông giống gấu bông. Những nhân vật gấu bông ăn mặc khá đặc biệt. Balenciaga cho những chú gấu mặc những bộ đồ phong cách Punk rock, với dây nịt da và vòng cổ có gai. Ngoài ra trong ảnh cũng xuất hiện các ly rượu. Chiến dịch vấp phải phản ứng dữ dội. Balenciaga bị dính cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em.

Gen Z chính là các vị khách của tương lai. Để chinh phục được những người tiêu dùng trẻ tuổi và coi trọng giá trị bản thân này, các thương hiệu không thể chỉ tập trung vào việc nâng cao doanh số mà còn phải xây dựng các kế hoạch giúp xã hội thay đổi theo hướng tích cực. Cả thương hiệu và người sử dụng các sản phẩm của thương hiệu đều sẽ phản ánh hình ảnh của nhau. Phương pháp nghiên cứu đa phương thức trên được thực hiện bởi công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Alter Agents tại Mỹ, Anh, Canada và Úc.

Nguồn: saostar.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm