Tăng 7 tuần liên tiếp, giá dầu đạt đỉnh 10 tháng

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/MarketWatch.

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/12), hoàn tất tuần tăng thứ 7 liên tiếp, khi giới đầu tư tiếp tục lạc quan về việc vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm tại một số quốc gia và khả năng Quốc hội Mỹ sẽ đạt được một gói kích cầu mới.

Đà tăng được duy trì này đã đưa giá dầu lên mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 2, trang MarketWatch cho hay.

"Quốc hội Mỹ có vẻ đang tiến gần hơn tới việc thông qua một dự luật kích cầu mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dẫn tới sự gia tăng trong nhu cầu tiêu thụ dầu", nhà quản lý danh mục Rob Thummel thuộc Tortoise phát biểu. "Tiêm phòng Covid-19 đã bắt đầu, mở đường cho kinh tế toàn cầu hồi phục, kéo theo nhu cầu năng lượng".

Tuần này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2021. Vị chiến lược gia cho rằng với dự báo như vậy, khó có chuyện OPEC và đồng minh, tức nhóm OPEC+, đi đến một quyết định nâng sản lượng trong cuộc họp vào tháng 1.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 1 tại New York tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, đạt 49,1 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ hôm 25/2.

Giá dầu Brent giao tháng 2 tại thị trường London tăng 0,76 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, đạt 52,26 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 26/2.

Tuần này, giá dầu WTI tăng 5,4%, còn giá dầu Brent tăng 4,6%. Đây là tuần tăng thứ 7 liên tiếp của cả hai loại dầu, và là chuỗi tăng dài nhất của dầu Brent kể từ tuần kết thúc vào ngày 8/10/2010.

Các tài sản rủi ro trên toàn cầu "đang bước vào những ngày cuối năm với triển vọng tốt nhờ lạc quan về một gói kích cầu mới của Mỹ cũng như việc triển khai tiêm chủng Covid-19. Giới đầu tư đang tạm gác sang bên nỗi lo về các biện pháp phong tỏa để phòng dịch", nhà phân tích Fawad Razaqzada thuộc ThinkMarkets phát biểu.

"Thị trường đang hy vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh trở lại một khi niềm tin hồi phục", ông Razaqzada nói. "Đó là lý do vì sao cổ phiếu giá trị, dầu thô và các kim loại công nghiệp đều tăng mạnh trong những tuần gần đây. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn, trừ phi có những thay đổi căn bản hoặc một sự kiện nào đó gây giảm mạnh tâm lý ham thích rủi ro".

Quốc hội Mỹ vẫn đang đàm phán gói kích cầu trị giá khoảng 900 tỷ USD và dự luật ngân sách cho tài khóa 2021.

Nửa đêm ngày thứ Sáu là hạn chót để Quốc hội Mỹ thông qua hai dự luật này. Tuy nhiên, những bất đồng chưa thể giải quyết giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa đang đặt ra khả năng việc thông qua hai dự luật tiếp tục bị trì hoãn. Trong trường hợp đó, Chính phủ Mỹ sẽ rơi vào tình trạng đóng cửa vì dự luật ngân sách của tài khóa 2020 và dự luật ngân sách tạm thời đều đã hết hạn.

Đầu tuần này, Mỹ đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 bằng vaccine của hãng Pfizer. Dự kiến, nhà chức trách nước này sẽ sớm phê chuẩn thêm một vaccine Covid-19 nữa do hãng Moderna sản xuất.

Một số nhà phân tích nói rằng dấu hiệu về lực cầu vững sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu.

"Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 tăng mạn ở nhiều quốc gia có thể là lý do để một số nhà đầu tư kém phần lạc quan. Nhưng điều đó chưa đủ để khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế giảm sút", một báo cáo của JBC Energy được MarketWatch trích dẫn. "Ở vùng Biển Bắc, thị trường dầu đang sôi động, và lượng dầu tồn trong các kho chứa nổi đã bắt đầu giảm xuống".

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang theo dõi tình hình sản lượng khai thác dầu của Mỹ. Số liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ tăng thêm 5 giàn trong tuần này, lên 263 giàn, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp và là một dấu hiệu cho thấy sản lượng khác thác dầu có thể tăng trong thời gian tới.


Nguồn: Báo

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm