Tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc Evergrande vì sao biến thành 'bom nợ' khủng?

Là một doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc, sau nhiều năm phát triển, Tập đoàn Evergrande đã mạnh tay vay tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau và hiện đang trên bờ vực vỡ nợ sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ.

Evergrande “khủng” cỡ nào?

Tập đoàn Evergrande (tên tiếng Trung Quốc: Hằng Đại, mang ý nghĩa là vĩ đại mãi mãi) được thành lập năm 1996, đến nay Evergrande trở thành tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu của Trung Quốc. Tổng tài sản của Evergrande đã đạt 2,3 nghìn tỉ Nhân dân tệ, có 200.000 nhân viên và đứng thứ 122 trong danh sách Fortune Global 500.

Đến nay tập đoàn này đã sở hữu 8 ngành công nghiệp chính như: Evergrande Real Estate, Evergrande New Energy Auto, Evergrande Property Services, HengTen Networks, FCB, Evergrande Fairyland, Evergrande Health và Evergrande Spring.

Evergrande từng tuyên bố có hơn 1.300 dự án nhà ở tại hơn 280 thành phố của Trung Quốc. Tuy nhiên, với nghĩa vụ nợ lên tới 300 tỉ USD (chiếm 84% tổng tài sản) và mối liên hệ với vô số ngân hàng, tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới có thể gây ra những cú sốc lớn trong hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nếu chuyện xấu xảy ra.

Cả thế giới đang hướng về Evergrande khi tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới đứng trước cột mốc quan trọng. (Ảnh: Reuters)

Tập đoàn Evergrande có 2 dự án xây dựng khổng lồ bao gồm sân vận động hình hoa sen 1,7 tỉ USD và đảo hoa Đại Dương 22,9 tỉ USD.

Thông tin trên website của Evergrande cho biết, năm 2020, báo cáo lợi nhuận của tập đoàn đạt 30,1 tỉ Nhân dân tệ, tương đương 4,7 tỉ USD năm 2020, thấp hơn so với năm trước đó. Đến nay cổ phiếu và trái phiếu Evergrande đã được đưa vào nhiều chỉ số tại các thị trường ở châu Á.

Nguyên nhân nào khiến Evergrande “ôm” nợ khổng lồ?

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Evergrande đã “lao dốc” 90%, khiến tổng giá trị vốn hóa của tập đoàn này sụt giảm thê thảm.

Nguyên nhân khiến “ông trùm” của ngành bất động sản Trung Quốc ngập trong nợ nần một phần do sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính và đầu tư ngoài ngành, mà nghiêm trọng nhất là lĩnh vực xe điện.

Sau nhiều năm phát triển thần tốc, Evergrande đã mạnh tay vay tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như ô tô điện, tiêu dùng, dịch vụ y tế, dịch vụ giải trí...

Trong vài tuần qua, Evergrande đã cảnh báo các nhà đầu tư về các vấn đề dòng tiền, nói rằng công ty có thể vỡ nợ nếu không thể huy động tiền nhanh chóng.

Cảnh báo đó được nhấn mạnh vào tuần trước, khi Evergrande tiết lộ trong một hồ sơ đăng ký trên sàn chứng khoán rằng tập đoàn đang gặp khó khăn khi tìm người mua một số tài sản của mình.

Trong số những lĩnh vực tham gia, ngành sản xuất xe điện có vẻ được Evergrande ưu ái hơn cả. Cách đây vài năm, tập đoàn đã quyết định thành lập công ty con Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd’s (Evergrande NEV).

Tham vọng của Evergrande khi đó là sẽ đưa Evergrande NEV trở thành “Telsla của Trung Quốc” để đón đầu nhu cầu được dự báo sẽ bùng nổ ở thị trường gần 1,5 tỉ dân với tầng lớp trung lưu đang nở rộ.

Với tham vọng trở thành siêu Telsla của Trung Quốc, năm ngoái Evergrande thông báo sẽ đầu tư 45 tỉ USD cho Evergrande NEV sản xuất xe điện và chỉ từ đầu năm 2021 đến nay đã giới thiệu liên tiếp 9 mẫu xe tiềm năng.

Tuy nhiên, do có những bước đi sai lầm và thua kém về công nghệ so với các đối thủ trong lĩnh vực sản xuất xe điện, Evergrande NEV đã không thể đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng của mình và các nhà đầu tư. Từ chỗ là niềm hy vọng cho tương lai xe điện ở Trung Quốc thì nay Evergrande NEV lại trở thành một “nỗi thất vọng lớn khi sản phẩm ra lò không được thị trường chào đón”.

Theo đó, mảng kinh doanh ngày càng thua lỗ, các nhà máy sản xuất “đắp chiếu” để không, trong khi các loại chi phí khác đều tăng mạnh. Có tới 42% tổng khoản nợ sẽ đến hạn thanh toán trong chưa đầy một năm nữa.

Trong khi đó, theo New York Times, khủng hoảng Evergrande đã cho thấy những vết nứt trong thị trường bất động sản Trung Quốc. Suốt nhiều thập kỷ, thị trường bất động sản Trung Quốc dường như không có giới hạn.

Những nhà phát triển như Evergrande xây dựng thành phố từ cát bụi, tạo công ăn việc làm, phát triển công trình để tầng lớp trung lưu đổ tiền tiết kiệm vào và làm giàu cho những chính quyền địa phương bán đất cho họ.

Khủng hoảng Evergrande làm gia tăng nỗi lo về việc thị trường bất động sản thương mại và dân cư Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, khi giá nhà đã tăng lên mức quá cao, chính quyền Bắc Kinh ra sức để kìm hãm tốc độ cũng như để gửi một thông điệp rằng “chẳng có tập đoàn nào là lớn đến mức không thể sụp đổ”. Chính hành động này của nhà chức trách Trung Quốc đã khiến cho Evergrande trở thành “quả bom nợ” có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào với những “cú nổ dây chuyền” trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Hậu quả của ‘bom nợ’ Evergrande

Global Time mới đây trích dẫn các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, những nhận định tiêu cực của truyền thông phương Tây về triển vọng kinh tế Trung Quốc do vụ việc Evergrande bị đe dọa vỡ nợ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về mô hình phát triển của Trung Quốc, đồng thời phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp của giới truyền thông.

Theo Tsun Yi, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thiên Tân, cuộc khủng hoảng Evergrande không phải là một bất ngờ, vì sự phát triển của họ bị ảnh hưởng bởi sự tích lũy vốn và hoạt động trong nhiều lĩnh vực không liên quan, chẳng hạn như sản xuất nước đóng chai hay ô tô chạy bằng các nguồn năng lượng mới. Theo ông Tsun Yi, “thị trường đã phản ứng quá mức với vấn đề nợ của Evergrande”.

“Vào đầu năm 2016, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra định hướng cho thị trường bất động sản trong nước, điều này có ý nghĩa đối với cuộc sống của người dân chứ không phải đầu cơ. Do đó, sự bộc lộ của cuộc khủng hoảng Evergrande nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của nhà nước trong việc điều chỉnh một lĩnh vực đang bùng nổ được hỗ trợ bởi một đống nợ”, giáo sư Trung Quốc nhận định.

Ngoài ra, ông Tsun Yi nhấn mạnh, những người chỉ trích triển vọng kinh tế Trung Quốc vì trường hợp của Evergrande đã tỏ ra không hiểu mô hình phát triển của Trung Quốc, vì “sự phát triển kinh tế Trung Quốc trong tương lai phụ thuộc vào đổi mới và lĩnh vực thực sự của nền kinh tế, chứ không phải sự thúc đẩy của thị trường bất động sản ngắn hạn”.

Cũng theo ông Tsun Yi, Evergrande nên chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra, và còn quá sớm để nói về hỗ trợ của nhà nước.

Trong khi đó, theo cảnh báo từ cơ quan xếp hạng Fitch Ratings Inc, “bom nợ” của Evergrande có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc, với nhiều lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao.

Các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác được biết đã cấp khoản vay trị giá 572 tỉ Nhân dân tệ (88,8 tỉ USD) cho Evergrande. Nhưng con số thực có thể cao hơn, vì các ngân hàng có thể đang làm việc gián tiếp với các nhà cung cấp của Evergrande, những người nợ 667 tỉ Nhân dân tệ (103 tỉ USD) hàng hóa và dịch vụ.

Đối với thế giới, khủng hoảng “bom nợ” Evergrande đã làm sàn chứng khoán toàn cầu “đỏ rực”. Bloomberg dẫn lời Giám đốc đầu tư của Pilgrim Partners Asia, ông Brian Quartarolo cho hay, sự sụt giảm về giá tài sản của châu Á do “bom nợ” Evergrande là “thật đáng sợ”.

Không chỉ có chứng khoán, đã xuất hiện thông tin cho rằng, có quỹ đầu tư quốc gia bị ảnh hưởng. Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF), quỹ hưu trí lớn nhất thế giới được cho là đang nắm giữ một lượng khá lớn trái phiếu và cổ phiếu của Evergrande.

Theo Asahi Shimbun, khoản đầu tư vào Evergrande của GPIF trị giá 170 triệu USD. Một khi “bom nợ” Evergrande vỡ thì GPIF khó có thể tránh khỏi tổn thất.

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/tu-1-doanh-nghiep-bat-dong-san-lon-nhat-cua-trung-quoc-vi-sao-evergrande-bong-dung-om-bom-no-khong-lo-393485.html

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm