Thị trường đồ ăn nhẹ Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất châu Á

Nhu cầu tiêu thụ các dòng sản phẩm đồ ăn nhẹ tại thị trường Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Xu hướng tiêu dùng tiện lợi, sạch, đầy đủ dinh dưỡng của người tiêu dùng đang dẫn dắt chiến lược kinh doanh các doanh nghiệp...

Nhu cầu tiêu dùng đồ ăn nhẹ tại Việt Nam tăng trưởng kép.

Theo báo cáo của Nielsen về thị trường đồ ăn nhẹ, hiện nay người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng sản phẩm đồ ăn nhẹ (như bắp rang bơ, trà sữa, mì cay, chân gà xiên que, xúc xích, bánh tráng trộn, cơm cuộn…), vượt trên cả chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết mỗi ngày.

TĂNG TRƯỞNG NHANH NHẤT VỀ TIÊU THỤ ĐỒ ĂN VẶT

Người tiêu dùng trẻ tuổi hơn không có xu hướng ăn ba bữa truyền thống mỗi ngày, thay vào đó áp dụng chế độ ăn 6 bữa nhỏ. Họ cũng tiêu dùng nhiều đồ ăn vặt hơn, với mức trung bình 8 lần/tuần và chi tiêu xấp xỉ 0,7 USD/lần.

Mặt khác, người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm ăn vặt mang lại nhiều lợi ích hơn bên cạnh sức khỏe thể chất và nhu cầu dinh dưỡng. Thậm chí trở thành thói quen của người tiêu dùng trong cả tiêu thụ thức ăn hàng ngày lẫn thưởng thức đồ ăn vặt với mục đích bổ sung dinh dưỡng.

Ngoài ra, đồ ăn vặt tiếp tục đóng vai trò như một phương tiện cải thiện tinh thần. Gần 8/10 người tiêu dùng toàn cầu đồng ý rằng một số món ăn nhẹ chỉ cần quan tâm đến giá trị thưởng thức mà không cần lo lắng quá nhiều về dinh dưỡng (79%).

Ăn vặt đúng cách và tiêu dùng lấy giá trị làm trung tâm cũng ngày càng được quan tâm hàng đầu. Có 86% người tiêu dùng tin tưởng vào tầm quan trọng của việc kiểm soát lượng tiêu thụ thức ăn nhẹ của họ thông qua các lựa chọn khẩu phần và thông tin rõ ràng về thành phần của sản phẩm.

Còn tại Việt Nam, báo cáo của Nielsen cho thấy, mức chi tiêu mỗi tháng giới trẻ Việt Nam dành cho đồ ăn vặt lên đến 13.000 tỷ đồng. Đây là một mức chi tiêu khá lớn, cho thấy chất lượng và nhu cầu cho ăn uống của giới trẻ ngày càng cao.

Cuộc sống sôi nổi của người trẻ luôn khiến họ rất ít thời gian để chuẩn bị bữa ăn cho mình. Thay vào đó, họ sẽ nghiêng về thức ăn nhanh và thức ăn chế biến sẵn. Các ứng dụng gọi đồ ăn ngoài cũng phát triển như vũ bão và trở thành xu hướng.

Nielsen cho biết Việt Nam là thị trường châu Á tăng trưởng nhanh nhất về tiêu thụ đồ ăn vặt và đứng thứ 3 thế giới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) với mức tăng 19,1% trong năm 2021, chỉ sau Argentina (25,8%) và Slovakia (20%).

Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, thị trường đồ ăn vặt tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng với tốc độ hai con số. Đặc biệt khi các doanh nghiệp Việt Nam đưa văn hóa phương Tây và mức chi tiêu dành cho đồ ăn vặt tăng lên là cơ hội rộng mở đối với ngành hàng này.

Nhất là vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ đại dịch, người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển sang các sản phẩm đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân chính kích thích sự gia tăng xu hướng ăn kiêng mới, đó là chế độ ăn gluten-free hay keto.

ĐÁP ỨNG XU HƯỚNG TIÊU DÙNG MỚI

Ngành hàng thực phẩm là một trong số nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Với mức chi tiêu dành cho đồ ăn vặt như hiện nay, con số này khẳng định cơ hội cho các công ty cung cấp các đồ ăn nhẹ phát triển.

Nắm bắt được xu hướng này, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đồ ăn vặt, những quán ăn vặt được đặt trên các tuyến phố, với những phong cách độc đáo, mới lạ.

Điển hình, mới đây nhất Propercorn Việt Nam đón đầu xu thế khai trương “Ngôi nhà bỏng ngô” (Flagship Store) đầu tiên tại Hà Nội mang đậm phong cách Mỹ, hòa hợp với giới trẻ Việt Nam. Dự đoán đây sẽ trở thành “xu hướng” kinh doanh đột phá trong thời gian tới đây.

Propercorn Việt Nam nhắm đến đối tượng khách hàng học sinh, sinh viên và dân văn phòng trẻ tuổi từ 15 – 35 tuổi, sống tại các thành phố, những người vừa ưa thích đồ ăn vặt, vừa quan tâm tới sức khỏe. Các sản phẩm bắp rang bơ Propercorn được phân phối tại chuỗi cửa hàng “Ngôi nhà bỏng ngô”, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.

Khảo sát của Nielsen cũng đánh giá, sức khỏe là mối bận tâm lớn nhất của người tiêu dùng, nên họ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Do đó, nếu nhà sản xuất cho thấy những nỗ lực xây dựng hình ảnh sản phẩm tốt cho sức khỏe, đáp ứng được nhu cầu này của người tiêu dùng thì sẽ chiến thắng trên thị trường.

Ông Phạm Thành Giang, Chủ tịch Funny Group (đơn vị phát triển thương hiệu Propercorn), cho biết thị trường bắp rang bơ đang thay đổi nhanh chóng với sự gia nhập của các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Singapore.

Vì thế, Propercorn cạnh tranh dựa trên chiến lược tập trung vào chất lượng sản phẩm. Ngay từ đầu vào, Propercorn chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu (ngô Mỹ nhập khẩu, không biến đổi gen, được trồng trên những cánh đồng xanh, với phương thức canh tác hiện đại).

“Tất cả những sản phẩm ngô được Funny Group nhập về tiêu thụ tại Việt Nam đều có chứng nhận “không biến đổi gen” của Viện Nông nghiệp và Di truyền Việt Nam”, ông Giang cho biết.

Không chỉ vậy, các nguyên liệu như: Dầu bơ, đường caramel, bộ phô mai được nhập khẩu từ các nhà cung cấp uy tín hàng đầu tại Singapore, Mỹ… Quá trình sản xuất bắp rang bơ Propercorn được kiểm nghiệm nghiêm ngặt về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không chứa chất bảo quản…

Nguồn: vneconomy.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm