Thị trường tăng rực rỡ, tiền vẫn kiên nhẫn đợi?

Phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của chứng khoán Mỹ cuối cùng cũng 'kích' được thị trường trong nước tăng theo. Tuy nhiên điều vẫn chưa làm được, là lôi kéo dòng tiền vào mạnh mẽ hơn. Sáng nay độ rộng rất tốt và VN-Index tăng 1,8% nhưng thanh khoản lại giảm 13%...

Bảng điện sàn HoSE xanh mướt sáng nay, với đa số blue-chips cũng tăng tốt.

Phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của chứng khoán Mỹ cuối cùng cũng “kích” được thị trường trong nước tăng theo. Tuy nhiên điều vẫn chưa làm được, là lôi kéo dòng tiền vào mạnh mẽ hơn. Sáng nay độ rộng rất tốt và VN-Index tăng 1,8% nhưng thanh khoản lại giảm 13%.

Một trong những lý do khiến thanh khoản phiên sáng thấp có thể là nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi buổi chiều giá có thể tốt hơn. Hiệu ứng T+2,5 thường dẫn đến khối lượng bán tăng trong buổi chiều, nhất là khi hàng bắt đáy có lãi một chút bắt đầu về tài khoản.

Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên sáng mới đạt 4.455 tỷ đồng, giảm 12% so với sáng hôm qua. HoSE đạt gần 3.994 tỷ đồng, giảm 13%.

Chứng khoán thế giới, nhất là chứng khoán Mỹ có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tục, đã giảm áp lực tâm lý lên thị trường trong nước. Hôm qua mức tăng trên các thị trường quốc tế gần như vô hiệu hoàn toàn. Sáng nay phản ứng đã tích cực hơn khi cổ phiếu đống loạt tăng ngay từ khi mở cửa và VN-Index thể hiện đà đi lên chiếm phần lớn thời gian. Chỉ số đạt đỉnh lúc 10h35, tăng 2,25% so với tham chiếu. Thời gian còn lại của phiên sáng lực bán có dấu hiệu tăng, cổ phiếu lẫn chỉ số tụt nhẹ. Kết phiên VN-Index còn tăng 1,8% tương đương 19,37 điểm.

Nhìn từ độ rộng của chỉ số này thì giao dịch không chịu nhiều sức ép. Lúc VN-Index đạt đỉnh, ghi nhận 356 mã tăng/65 mã giảm và hết phiên vẫn có 361 mã tăng/84 mã giảm. Nói cách khác, số cổ phiếu bị bán đến mức lùi qua tham chiếu là không đáng kể so với tổng thể phần tăng giá. Hiện HoSE có 9 mã kịch trần với vài cổ thanh khoản khá cao là HDC, VGC, TLG và IDI. Khoảng 158 mã khác đang tăng từ 2% trở lên. Số giảm chỉ có 33 mã mất từ 1% trở lên, trong đó 4 cổ giảm sàn.

VN-Index vẫn được neo cao dù nửa sau phiên sáng đã có tín hiệu bán mạnh hơn.

Diễn biến tăng giá trong phiên sáng nay không phải là khó đoán vì các chỉ số chứng khoán quốc tế phản ứng mạnh và phục hồi với triển vọng tạo đáy ngắn hạn. Trong nước thị trường cũng không có thông tin bất lợi nào mới, nên áp lực bán nội tại gây sức ép là chính. Điều quan trọng là thị trường tăng giá có tạo được sự đồng thuận tốt và nhất là có dòng tiền mạnh vào theo hay không.

Mức tăng giá biên độ khá mạnh sáng nay giúp nhiều cổ phiếu bắt đáy hôm 3/10 vừa qua đạt lợi nhuận ngắn hạn tích cực. Lượng cổ phiếu này sẽ về tài khoản và sẵn sàng giao dịch buổi chiều nay. Vì vậy nửa sau phiên sáng đã có biểu hiện bán sớm gia tăng. Khả năng cao là thanh khoản buổi chiều sẽ mạnh hơn buổi sáng đáng kể, trong trường hợp nhà đầu tư chốt lời nhanh. Đây là thời điểm thử thách xem liệu dòng tiền có chấp nhận mua vào tốt hơn hay không.

Nhóm cổ phiếu trụ vẫn đang là động lực chính nâng đỡ VN-Index, tạo điều kiện cho các nhóm cổ phiếu khác phục hồi. VN30-Index chỉ tăng 1,7% nhưng Midcap tăng 2,55%, Smallcap tăng 2,16%. Trong nhóm blue-chips, trừ NVL và TPB tham chiếu, còn lại đều tăng, trong đó 13 mã tăng hơn 2%, 11 mã khác tăng hơn 1%.

Nhóm blue-chips tăng xuất sắc nhất cũng có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn: CTG tăng 5,06%, SSI tăng 3,93%, VHM tăng 3,75%, GVR tăng 3,29%. Ngoài ra một số trụ tăng yếu hơn nhưng có lợi thế vốn hóa lớn: GAS tăng 1,79%, VIC tăng 1,58%, BID tăng 1,61%...

Khối ngoại sáng nay cũng hỗ trợ thị trường khi quay đầu mua ròng trở lại. Tổng giá trị giải ngân tại HoSE ghi nhận 473,8 tỷ đồng, chiếm 10,5% giá trị sàn. Mức bán ra là 329,8 tỷ, tương đương mua ròng 144 tỷ đồng. HPG vẫn bị bán ròng mạnh 76,5 tỷ đồng nhưng cổ phiếu lớn nhất ngay sau là DGC chỉ -19,9 tỷ và mã thứ 3 là HAH -9,7 tỷ. Phía mua VHM +40,3 tỷ, CTG +27,5 tỷ, PNJ +22,1 tỷ. Nhóm được mua ròng quanh 10 tỷ đồng ròng là VIC, DPM, HDG, VJC, GMD và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Nguồn: vneconomy.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm