Tiểu thương TPHCM 'tung chiêu' giữa mùa dịch

Hơn 100 chợ truyền thống tại TPHCM đang tạm ngưng hoạt động để phòng, chống COVID-19 buộc tiểu thương phải xoay đủ cách để tiếp tục kinh doanh.

Mua hộ, trả giúp

Để hạn chế bà con đến chợ nhưng tiểu thương vẫn kinh doanh tốt trong mùa dịch, Ban quản lý (BQL) chợ Xã Tây (Q.5, TPHCM) nghĩ ra sáng kiến “đi chợ hộ”. Cụ thể, BQL đăng số điện thoại, danh sách các tiểu thương bán thịt, cá, trứng, rau...; giá cả từng ngày lên website của chợ Xã Tây để người dân biết.

Khi mua hàng, người dân chỉ cần gọi vào đường dây nóng của chợ, đơn vị có người tiếp nhận, ghi lại đơn hàng và cử người mua hộ...; sau đó đi giao tận nhà cho bà con trong khu vực quận 5. Tiền hàng lấy từ khách sẽ đưa về trả lại cho người bán.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Trưởng BQL chợ Xã Tây chia sẻ: “Trong “cái khó ló cái khôn”, việc bán hàng giáo tận nơi chỉ diễn ra trong mùa dịch. Sau khi nhận đơn hàng, chúng tôi thông báo với tiểu thương trong chợ để họ chuẩn bị; cử anh em bảo vệ đảm nhiệm thêm công việc giao hàng, đi chợ hộ rồi giao hàng tận nhà cho người dân. Nếu trong bán kính quận, chúng tôi sẽ giao hàng miễn phí, mục đích nhằm hạn chế việc bà con đến chợ trong những ngày dịch COVID-19 phức tạp”.

Một khu chợ tại Q.12 bán hàng qua bạt nhựa phòng COVID-19 (ảnh: Ngô Bình)

Từ ngày chợ An Lạc (Q.Bình Tân, TPHCM) tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, chị Hồng (ngành hàng rau củ quả) chuyển sang bán hàng trên mạng xã hội. Mỗi ngày, chị đều đăng ảnh và báo giá các mặt hàng sẽ có cho hôm sau; khách nhắn tin đặt hàng và địa chỉ sẽ được giao đến tận nơi. “Dù cực hơn một chút vì phải có thêm khâu giao nhận, nhưng tôi vẫn bán được hàng đều dặn, trung bình 200-300 kg/ngày các loại rau củ, trái cây. Tôi còn liên kết với các quầy sạp khác như thịt cá để rao hộ, bán giúp hàng cho đồng nghiệp ít rành công nghệ” – chị Hồng chia sẻ.

Chị Minh Nguyệt đã buôn bán chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận, TPHCM) hơn 20 năm theo kiểu truyền thống “tiền trao, cháo múc”. Nhưng từ khi có dịch bệnh đã làm thay đổi tất cả. “Chợ vắng hoe, cả ngày không được mấy đơn hàng. Đầu năm nay, một người quen hướng dẫn tôi đăng ký mở quầy hàng trên các ứng dụng, trang thương mại điện tử… khách đặt hàng nhiều hơn. Mình chỉ cần chuẩn bị sẵn theo đơn hàng, có tài xế công nghệ đến lấy mang đi, tiền cũng trả online” – chị Nguyệt nói. Hình thức kinh doanh này giúp chị Nguyệt cầm cự suốt hai tháng dịch vừa qua.

Dù chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn, TPHCM) tạm ngưng hoạt động, ông Bình – tiểu thương quầy thịt heo vẫn bán đều đặn 1-1,5 tấn thịt heo/ngày nhờ nguồn khách quen. “Khách có nhu cầu chỉ cần gọi điện là giao hàng, cam kết chất lượng. Nơi nào cũng giao, xa xa thì tính thêm chút đỉnh tiền phí” - ông Bình cho hay.

Khuyến khích “tiểu thương online”

Trong xu thế mua bán hàng online tại nhiều chợ truyền thống, BQL một số nơi đã chủ động hướng dẫn tiểu thương tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến. Tiểu thương từ thụ động chờ khách hỏi mua đã chuyển sang chủ động giới thiệu hàng hóa trên mạng xã hội, kết bạn thành nhóm với người tiêu dùng để tìm, tiếp nhận đơn hàng...

Cụ thể, muốn mua hàng rau củ quả chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TPHCM), khách hàng lên fanpage “Hội Phụ nữ Chợ Phạm Văn Hai” để đặt hàng. Chị Ánh Mai đăng hình ảnh những loại trái cây ngon lành kèm lời giới thiệu “Ngay mai em có ổi, đu đủ vườn... đồng giá 15.000 đồng/kg. Chị em có nhu cầu mời đăng ký, em giao hàng tận nơi”.

 Tiểu thương TPHCM 'tung chiêu' giữa mùa dịch ảnh 2

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người mua và người bán dễ dàng kết nối giữa mùa dịch

Một tiểu thương khác bày đủ loại rau củ còn nguyên bao bì, nhãn mác kèm lời cam kết hàng chất lượng, thu mua từ nông dân tại huyện Hóc Môn, Củ Chi. Người bán còn treo bảng giá niêm yết cụ thể, khách hàng liên tục nhắn tin đặt hàng sôi nổi. Nhiều người còn rủ mua chung để có giá sỉ. Đối với khách hàng muốn tìm mua rau củ của thương nhân chợ Bàu Cát, có thể tìm kiếm trên trang fanpage “Chợ đêm Bàu Cát” để được phục vụ tận nhà.

Đại diện BQL chợ Phùng Hưng (Q.5, TPHCM) cho biết, đã vận động toàn bộ thương nhân và khách hàng mua bán các loại hàng hoá thực phẩm bằng hình thức online. “Người dân có thể “đi chợ” qua số điện thoại của tiểu thương hoặc BQL chợ. Thực phẩm được giao đến tận nhà bằng tài xế công nghệ và xe ôm tại chợ mà BQL đã đăng tải thông tin, số điện thoại” - đại diện chợ cho biết.

Nguồn Tienphong

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm