Tìm giải pháp cho giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất

Tìm giải pháp cho vấn đề này là chủ đề của Hội thảo do Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), Sở GD&ĐT TP HCM, trường ĐH quốc tế Hồng Bàng tổ chức.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) Nguyễn Bá Minh cho biết, trong thời gian qua GDMN nói chung, GDMN ở các khu vực có KCN-KCX nói riêng đã có nhiều phát triển về quy mô và chất lượng chăm sóc trẻ. Đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã có những giải pháp thiết thực giải quyết vấn đề trường lớp ở địa bàn có KCN-KCX.

Tuy nhiên, phát triển dân số cơ học ở các địa bàn có KCN-KCX quá lớn nên sự phát triển trường lớp mầm non ở khu vực này chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ. Công nhân, người lao động nghèo phải gửi con ở các cơ sở GDMN kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Vì thế, việc tìm giải pháp phát triển giáo dục mầm non ở khu vực có KCN - KCX trở thành vấn đề cần thiết.

Nhu cầu xây dựng trường mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ở các KCN - KCX rất cần thiết. Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 260 KCN-KCX đang hoạt động với 2,8 triệu lao động, gần 70% là lao động nữ, với 97,9% trong độ tuổi từ 18-40, tức độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên chỉ có 112 trường MN trong KCN-KCX. Đa phần con em công nhân, người lao động đều gửi trẻ ở các nhóm trẻ tư thục, độc lập, nhiều nhóm trẻ còn chưa được cấp phép.

Việc xây trường mầm non trong KCN-KCX gặp nhiều khó khăn do một số lý do: Trước đây khi quy hoạch các KCN không có phần đất dành cho giáo dục. Tiếp đó, các DN thuê để sản xuất đều có quỹ đất hạn hẹp nên việc vận động các DN mở trường học trên phần đất thuê là rất khó. Việc thành lập các trường mầm non lân cận các KCN phải tuân thủ thủ tục đất đai, đó là vừa đáp ứng diện tích theo quy định vừa phải chuyển đổi từ đất sử dụng riêng hộ gia đình sang đất giáo dục... khiến cho việc xây trường vẫn bị tắc.

Mô hình trường mầm non do DN sử dụng lao động xây dựng phục vụ con công nhân, người lao động của chính đơn vị đang là hướng đi duy nhất giải quyết tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.

Việc xây dựng nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân tại các KCN - KCX là nhu cầu bức thiết. Có nhà trẻ, mẫu giáo an toàn cho các con không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của DN, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Để giải quyết vấn đề này, không thể chỉ trông chờ vào các DN, mà cần có sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách phù hợp giữa chế độ nghỉ thai sản và quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong GDMN nói chung và GDMN ở các địa bàn có KCN-KCX nói riêng là một giải pháp nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận. Theo đó, cần có chính sách cụ thể, cơ chế đặc thù cho phát triển GDMN ở KCN-KCX để địa phương thực hiện hiệu quả, giải quyết nút thắt về quỹ đất cho GDMN và các vấn đề liên quan đến quyền lợi của DN tại các KCN-KCX khi đầu tư cơ sở GDMN.

TS Đặng Thị Lệ Xuân, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, với các địa phương có KCX - KCN, nơi có sự tập trung của công nhân, lực lượng dân số trẻ, thì nhu cầu GDMN là rất lớn mà địa phương không đáp ứng được. Vì vậy, xã hội hóa là điều cần thiết để chia sẻ bớt gánh nặng cho GDMN công lập; góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, đặc biệt là những khu vực tập trung KCN-KCX.

Luật Giáo dục sửa đổi được kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14-6-2019, trong đó quy định về chính sách ưu tiên phát triển GDMN ở địa bàn có KCX-KCN. Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển GDMN ở khu vực này. Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ 3 nhóm đối tượng chính, gồm: Trẻ em là con công nhân, người lao động đang làm việc, theo học tại các cơ sở GDMN; DN sử dụng nhiều lao động, DN đầu tư xây dựng trường và chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập tư thục; giáo viên đang làm việc tại các cơ sở GDMN ngoài công lập.


Nguồn: Báo PL&XH

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm