Tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng tại Thanh Hóa

Hạt Kiểm lâm Quan Hóa phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tuần tra công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.

Trong đó, chi trả cho 22 chủ rừng là tổ chức, số tiền 10.098 triệu đồng; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, số tiền 10.556 triệu đồng. Trong đó, chi trả trực tiếp cho 1.744 hộ, chi trả cho các hộ thông qua người đại diện và chi trả cho cộng đồng 501 thôn/bản; chi trả cho 20 UBND xã, số tiền 442 triệu đồng.

Trong quá trình chi trả DVMTR thì hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền DVMTR của chủ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thực thi chính sách chi trả DVMTR. Dựa trên cơ sở pháp lý đã được quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 72, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ. Hàng năm, Ban Quản lý Quỹ phối hợp với chính quyền địa phương (huyện, xã), hạt kiểm lâm các huyện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra việc sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2020, đã tổ chức 1 đợt giám sát việc chi trả tiền DVMTR kết hợp kiểm tra việc sử dụng tiền DVMTR của 22 chủ rừng là tổ chức, 215 thôn, bản và một số hộ gia đình trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh...

Qua kiểm tra cho thấy việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR tại các đơn vị cơ bản đúng quy định. Tiền DVMTR của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, các hộ chủ yếu sử dụng nâng cao đời sống. Tiền DVMTR của chủ rừng là tổ chức tập trung chi cho các hộ nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng, chi cho các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và chi trả lương và các khoản có tính chất tương đối với các đối tượng hợp đồng quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Đối với tiền DVMTR của cộng đồng thôn, bản được sử dụng vào mục đích chung của cộng đồng, có sự thống nhất của toàn thể người dân trong thôn, bản. Nội dung chi tập trung vào: chi trả công cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng; chi đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi như xây dựng đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà văn hóa, trụ sở thôn... Việc sử dụng tiền DVMTR được các cộng đồng thôn, bản tổ chức họp dân để: cử người đại diện cộng đồng đứng tên nhận tiền; thống nhất phương án sử dụng tiền. Các nội dung này được sự đồng thuận cao của các hộ gia đình trong thôn, bản, được ghi chép bằng biên bản và được UBND xã ký xác nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong việc sử dụng tiền DVMTR, đó là: Một số chủ rừng tổ chức còn chưa hoặc chi không nhiều cho công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền phục vụ công tác chi trả DVMTR. Nhiều thôn, bản thống nhất lập quỹ chung nhưng chưa quy định rõ nội dung chi hoặc thống nhất chi xây dựng các công trình phúc lợi tập thể nhưng chưa có khái toán kinh phí dự kiến công trình...

Tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng là một nguồn thu nhập tương đối ổn định và có xu thế tăng hàng năm. Do đó, trong thời gian tới ngoài việc thường xuyên, liên tục, thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng, đặc biệt đối tượng sử dụng là UBND xã, cộng đồng thôn, bản, thì cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, hướng dẫn để việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước khi ban hành chính sách đó là: cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.


Nguồn: Báo Thanh Hóa

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm