Trung Quốc buộc các khách sạn, dự án bất động sản đổi tên, tránh 'sính ngoại'

Công ty Vienna Hotel Management đang phản đối yêu cầu của tỉnh Hải Nam về việc thay đổi tên chuỗi khách sạn Vienna Hotel ở tỉnh này. SupChina

Nhiều công ty phát triển bất động sản và các khách sạn của Trung Quốc đang bối rối bởi một quy định của chính phủ bắt buộc họ phải đổi tên và thương hiệu nhằm tiêu chuẩn hóa theo tên địa phương.

Quy định này là kết quả của một chính sách do sáu bộ ngành chính phủ ban hành nhằm loại bỏ những cái tên “to tát, nước ngoài và khó hiểu”. Quy định mới buộc các nhà chức trách ở các tỉnh phải tập hợp những cái tên rơi vào ba hạng mục trên vào cuối tháng 3-2019 và chỉ đạo các công ty chủ quản phải đổi tên chúng.

Một số tỉnh như Thiểm Tây, Hải Nam và Chiết Giang đã liệt kê danh sách hàng chục tên bất động sản, hầu hết các dự án bất động sản và khách sạn vi phạm ba hạng mục trên, khiến các quan chức cấp quận, huyện nơi các dự án này tọa lạc phải chỉ đạo các công ty bất động sản đổi lại tên dự án của họ.

Chính quyền tỉnh Hải Nam đã nêu danh sách 84 khách sạn và công trình chung cư ở tỉnh này vi phạm tên sính ngoại, bao gồm những cái tên như Californian Sunshine (California là tên một bang ở Mỹ), Provence Holiday (Provence là một vùng ở Đông Nam nước Pháp) và Heidelberg Residency (Heidelberg là tên một thành phố tại Đức). Trong khi đó, tỉnh Thiểm Tây cũng liệt kê 19 cái tên sính ngoại.

Zhao Huanyan, nhà phân tích ở bộ phận khách sạn của công ty Huamei Consultancy nói: “Đề ngăn chặn hiện tượng này, chính phủ phải truy tận gốc vấn đề bởi vì các cơ quan cấp giấy phép kinh doanh phê duyệt những cái tên đó. Họ nên tránh phê duyệt những cái tên làm suy yếu niềm tin văn hóa của Trung Quốc”.

Những cái tên thổi phồng quy mô và tầm quan trọng của một dự án hay một địa điểm thường có các từ như “thế giới”, “quốc tế”, “đại”, thậm chí từ “trung tâm” sẽ phải thay đổi vì nó vi phạm hạng mục “phóng đại”.

Những cái tên khó hiểu thường có sự kết hợp số và biểu tượng chặng như “No 6 Compound” hay "EE-New Town" ở tỉnh Thiểm Tây hay những tên có những từ xúc phạm như Mieziqiao (Cầu chống chủ nghĩa tư bản) nằm giữa hai thị trấn Phiên Dương và Mao Dương ở tỉnh Hải Nam.

Những tên có yếu tố nước ngoài thường được các nhà phát triển bất động sản sử dụng phổ biến như là chiến thuật tiếp thị và đánh bóng thương hiệu để tạo danh tiếng và đẳng cấp cho dự án.

Một cuộc khảo sát vào năm 2017 ở 137 thành phố Trung Quốc phát hiện thấy rằng những cái tên như Paris, Venice, Versailles, California, Rome, Champs-Elyseés và Victoria được sử dụng phổ biến cho các dự án bất động sản và khách sạn.

Trong khi đó, công ty quản lý và phát triển bất động sản OTC đã lấy cái tên Interlaken (tên của một thị trấn ở Thụy Sĩ) để đặt cho trung tâm công nghệ ở ngoại ô Thâm Quyến. Ngoài ra, tại quận Tùng Giang ở ngoại thành Thượng Hải có một dự án tên là Thị trấn Thames (tức sông Thames ở Anh), nơi đặt các bốt điện thoại màu đỏ, tượng của Harry Potter và cựu Thủ tướng Anh, Winston Churchill.

“Các công ty Trung Quốc đua nhau sử dụng các tên nước ngoài để các dự án của họ trông có vẻ cao cấp”, Zhao Huanyan nói.

Quang cảnh “Thị trấn Thames”, tên của một khu dân cư cao cấp tại quân Tùng Giang ở ngoại thành Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Công ty Vienna Hotel Management, có trụ sở ở Thâm Quyến, là một trong những công ty như vậy. Công ty này đang vận hành 15 khách sạn cùng tên Vienna International Hotel khắp tỉnh Hải Nam, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Vienna là tên thủ đô của nước Áo.

Giám đốc của công ty Vienna Hotel Management gần đây đã nộp đơn khiếu nại quyết định yêu cầu đổi tên của chính quyền và đó là một trong những động thái thách thức hiếm hoi.

“Thương hiệu của chúng tôi đã được đăng ký với Cục Quản lý nhà nước về Công nghiệp và thương mại (SAIC) và hợp pháp cho đến năm 2022”, công ty này nói trong một tuyên bố. Công ty này cho biết thêm rằng đã viết thư gửi cho Sở Dân chính tỉnh Hải Nam để yêu cầu thu hồi quyết định buộc đổi tên.

“Chúng tôi đã lên tiếng phản đối về quyết định này và đang chờ đợi phản hồi chính thức”, công ty Vienna Hotel Management cho biết.

Trong khi đó, một quan chức của Sở Dân chính Hải Nam nói: “Trung Quốc giờ đây đã tự tin về văn hóa. Trung Quốc có lịch sử hàng ngàn năm văn hóa. Liệu có thích hợp để sử dụng những cái tên nước ngoài này trên lãnh thổ đất nước. Điều này không gây tổn thương lòng tự tôn dân tộc sao?”.

Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đang yêu cầu hạn chế những cái tên liên hệ đến thời phong kiến chẳng hạn như “Cung điện san hô”, “Phố vườn hoàng đế” vì chúng gợi đến thời kỳ phong kiến Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cho phép không thay đổi tên các công trình, khách sạn hay dự án bất động sản “phản ánh tình hữu nghị của Trung Quốc với cộng đồng thế giới” chẳng hạn như ba công viên mang tên Lenin ở các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tây và Phúc Kiến. Các công ty nước ngoài khác như Siemens, Hilton Hotels có thể giữ lại tên sau khi đã phiên âm sang tiếng Hoa.

Simon Huang, lãnh đạo của một công ty bất động sản ở Thâm Quyến, cho biết nhiều công ty phát triển bất động sản đăng ký dự án với những cái tên địa phương với cơ quan quản lý nhà đất nhưng khi quảng bá và tiếp thị lại sử dụng cái tên “ngoại”.

Huang nói: “Hiện nay 90% tên dùng để tiếp thị các dự án bất động sản không được đăng ký để bảo vệ theo luật pháp nhưng chỉ sau một đêm, những cái tên này, vốn đã quen thuộc với người dân địa phương, bỗng dưng thay đổi và điều này gây ra sự bối rối”. Ông cho biết việc đổi tên cũng có thể gây tốn kém lớn cho hoạt động tiếp thị.

Yan Yuejin, Giám đốc nghiên cứu ở công ty tư vấn bất động sản E-house China R&D Institute, nói: “Việc thực hiện đổi tên phải làm dần dần và linh động để giảm thiểu sự rối loạn cũng như nhầm lẫn các địa chỉ mới. Cơ quan quản lý phải lắng nghe công luận”.

Nguồn: Báo TBKTSG

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm