Vận hành thủy điện chống hạn hán, thiếu nước trong mùa khô
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và các cơ quan có liên quan căn cứ tình hình nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước cho sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 bảo đảm tiết kiệm, khoa học và hiệu quả. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ NN và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ tình hình nguồn nước hiện có và dự báo trong thời gian tới để chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và huy động điện từ các nhà máy thủy điện phù hợp lịch sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong các tháng mùa khô, không để xảy ra tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn nước tại các hồ thủy điện ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân... Phó Thủ tướng giao Bộ NN và PTNT chủ trì, phối hợp các Bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-1-2020.
* Theo Bộ NN và PTNT, hết năm 2019, sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2019 ước đạt khoảng năm triệu tấn, giảm 6,2% so năm 2018. Cụ thể, so năm 2018, đàn bò tăng 2,4% với sản lượng thịt 350 nghìn tấn, tăng 4,4%; sữa đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 10%; đàn gia cầm tăng 13,5%, sản lượng thịt ước đạt 1,26 triệu tấn, tăng 15%; sản lượng trứng ước đạt 14 tỷ quả, tăng 12%. Riêng chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so năm 2018. Tính đến ngày 18-12, tổng số lợn tiêu hủy do DTLCP là gần 6 triệu con với tổng trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Sản lượng thịt lợn năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị DTLCP và gián tiếp do chưa tái đàn). Để bù đắp nguồn cung thực phẩm, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản với tổng sản lượng các loại thực phẩm tăng hơn 400 nghìn tấn. Dự kiến nguồn cung thịt lợn cho Tết Nguyên đán và các tháng đầu năm thiếu hụt khoảng 200 nghìn tấn, Bộ NN và PTNT đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực bình ổn mặt hàng thịt lợn, thậm chí tính tới việc nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước.
* Bộ NN và PTNT vừa có công văn gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm từ gia cầm qua biên giới. Theo Bộ NN và PTNT, báo cáo của các địa phương và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, trong thời gian gần đây đã và đang xảy ra tình trạng vận chuyển bất hợp pháp gia cầm (bao gồm cả gà, vịt giống) và các sản phẩm gia cầm giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Bộ NN và PTNT đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào Việt Nam.
* Ngày 20-12, Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác phòng, chống dịch DTLCP năm 2019. Theo thống kê, tính đến ngày 18-12, DTLCP đã xảy ra tại 104 xã, phường của tỉnh với số lợn bị tiêu hủy là 35.057 con. Hiện tỉnh có 89 xã, phường có ổ dịch đã qua 30 ngày, có 27 xã, phường đã công bố hết dịch. Tổng đàn lợn trên địa bàn còn gần 200 nghìn con.
* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau sáu tháng DTLCP xuất hiện trên địa bàn đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi rất lớn. Khi chưa xảy ra dịch, tỉnh có khoảng 408.000 con lợn, sau khi có dịch đã gây thiệt hại gần 10% tổng đàn lợn của tỉnh, với hơn 1.200 ổ dịch, buộc phải tiêu hủy gần 40.400 con lợn.
* Ngày 20-12, Cục Thú y cho biết, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đang bùng phát trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến nay, dịch LMLM serotype O trên bò đã xảy ra tại 29 xã thuộc tám huyện của các tỉnh: Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, tổng số bò mắc bệnh là 493 con. Tại Vĩnh Long, dịch LMLM đã xảy ra ở 24 xã của bốn huyện với 436 con bò mắc bệnh, trong đó số bò chết và tiêu hủy 58 con.
* Sáng 20-12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) phối hợp Sở NN và PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị “Giao ban nuôi trồng thủy sản các tỉnh nội đồng phía bắc 2019”. Theo báo cáo, diện tích tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản vùng các tỉnh phía bắc còn rất lớn khoảng 330.000 ha; trong đó, 89,4% diện tích nuôi nước ngọt, khoảng 11,6% nuôi nước mặn, lợ. Ước tính năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của các địa phương phía bắc đạt hơn 194.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 902.000 tấn...
* Ngày 20-12, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc họp với các sở, ngành và các địa phương về kết quả 5 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đến nay toàn tỉnh có 68 tàu cá đóng mới, trong đó có 33 tàu vỏ thép, tám tàu com-pô-dít, 27 tàu gỗ; phần lớn tàu đóng mới, nâng cấp đi vào hoạt động có hiệu quả...
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Bắc Trung Bộ và phía tây Bắc Bộ, ngày 21-12, tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rào. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, gió đông bắc trong đất liền cấp 2, cấp 3, vùng ven biển cấp 3, cấp 4. Ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động; khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh.
Từ nửa cuối tháng 12-2019 đến tháng 6-2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp. Một số sông, suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40 đến 70% so với trung bình nhiều năm, một số sông thiếu hụt hơn 80%. Nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại các tỉnh ven biển Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.
* Theo Công ty Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam, do mực nước sông quá thấp và kết hợp thủy triều giữa tháng ở giai đoạn bán nhật triều có đỉnh cao từ 1,5 đến 1,6 m cho nên nước mặn xâm nhập tốc độ nhanh; nồng độ mặn đo được tại cầu Tứ Câu lên đến 1,5‰. Hiện tỉnh đang triển khai đắp đập tạm ngăn mặn Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện; yêu cầu các chủ đầu tư các nhà máy điện vận hành hợp lý để bảo đảm nguồn nước phục vụ công tác gieo sạ vụ lúa đông xuân 2019 - 2020.
Nguồn: Báo Nhân Dân