Vì sao Ấn Độ dùng tới 7 màu để phân biệt biển số xe?

Ấn Độ phân biệt màu biển cho xe thương mại để dễ quản lý

Tại phần lớn các quốc gia trên thế giới, biển số xe hơi chủ yếu chỉ được phân loại theo 2 - 3 màu (trắng, xanh lam…) nhưng ở Ấn Độ, có tới 7 màu nền và màu phông chữ khác nhau được sử dụng để phân biệt biển số ô tô.

Phân biệt màu biển xe cho thuê, xe taxi và xe tải

Hầu hết các nước trên thế giới, Chính phủ hoặc một cơ quan thuộc Chính phủ sẽ cấp bằng lái và gần như chỉ có kích thước bằng lái là được tiêu chuẩn hóa trên toàn cầu. Tuy nhiên, ít quốc gia nào quy định về màu biển và màu ký tự trên biển số đa dạng như tại Ấn Độ.

Hiện tại, biển đỏ có gắn biểu tượng vàng được Ấn Độ sử dụng riêng cho các phương tiện phục vụ Tổng thống Ấn Độ và Thống đốc một số bang nhưng không áp dụng với xe của Thủ tướng. Biển số xe của người đứng đầu Chính phủ có màu trắng, in nổi chữ đen như biển số bình thường của công dân Ấn Độ.

Những phương tiện có biển trắng sẽ không được phép sử dụng cho các mục đích thương mại, đồng nghĩa bạn sẽ không thể dùng xe biển trắng để cho thuê chở khách hay chở hàng hóa.

Trong khi đó, với các Đại sứ hoặc đoàn đại biểu nước ngoài, phương tiện của họ sẽ được gắn biển xanh lam với chữ/số in nổi mực trắng. Biển số này sử dụng mã của quốc gia chủ quản các nhà ngoại giao, chứ không sử dụng mã quốc gia Ấn Độ.

Đặc biệt, trong hệ thống biển số xe Ấn Độ, các phương tiện quân sự lại có hệ thống đánh số độc nhất vô nhị. Biển số do Bộ Quốc phòng nước này cấp, có 11 số và ký tự đầu tiên hoặc thứ 3 là hình mũi tên hướng lên. Hai chữ số tiếp theo mũi tên cho thấy năm Quân đội mua chiếc xe này.

Một điểm nhấn khác trong hệ thống biển số xe tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới đó là họ phân loại phương tiện thương mại cho thuê và xe taxi/xe tải với 2 loại màu và chữ khác nhau.

Nếu xe có biển được viết trên nền vàng, chữ đen thì đó là xe phục vụ dịch vụ taxi, xe tải như xe Uber, Ola… Ấn Độ cũng bắt buộc tất cả các tài xế lái xe taxi/xe tải phải có bằng lái xe thương mại mới được điều khiển loại phương tiện này.

Bên cạnh đó, chính quyền New Delhi còn quy định riêng một loại biển đen chữ vàng cho phương tiện dùng để cho thuê tự lái. Người điều khiển những phương tiện này không cần có bằng lái xe thương mại.

Áp dụng màu xanh cho xe điện để kích cầu

Với sự phát triển không ngừng của phương tiện chạy bằng nhiên liệu thân thiện môi trường, để thuận tiện cho việc quản lý nhất là khi những loại xe chạy bằng điện/lai điện đang được chính phủ ưu đãi để kích cầu, chỉ cách đây vài tháng, Ấn Độ đã ra quy định mới bắt buộc áp dụng biển số xe màu xanh lá cây cho loại xe này.

Theo thông báo vào cuối tháng 11/2019, Bộ Giao thông Ấn Độ yêu cầu tất cả các phương tiện chạy bằng điện sẽ đăng ký biển số với nền màu xanh lá cây nhưng sẽ áp dụng 2 loại phông chữ khác nhau: Phông chữ trắng cho xe cá nhân và vàng cho xe thương mại.

Tờ Business Today dẫn lời một quan chức giao thông cấp cao của Ấn Độ cho biết, sở dĩ Chính phủ đưa thêm quy định này là để dễ phân biệt các phương tiện sử dụng năng lượng sạch trên đường, tạo cơ hội để áp dụng một số ưu đãi dành riêng cho xe này trong tương lai.

Chẳng hạn, theo dự thảo chính sách đỗ xe mới, nếu như xe chạy bằng phương tiện sử dụng xăng bị áp mức phí đỗ xe và phí tắc đường cao hơn thì xe thân thiện môi trường lại có thể được giảm/miễn phí. Mấu chốt của chính sách này là khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe điện.

Tại đa số các nước châu Âu, Triều Tiên và Hàn Quốc, kích thước biển số xe là 52cm chiều rộng và 11cm chiều cao, trong khi kích thước 30,5cm x 15,2cm hoặc 30,5cm x 16cm thường được áp dụng ở các nước Bắc, Trung Mỹ, một số nơi ở Nam Mỹ và 37,2cm x 13,5cm được áp dụng ở các nước thuộc Thái Bình Dương.

Ngoài ra, màu và ký tự trên biển số xe cũng gần như không theo quy chuẩn chung nào. Chỉ riêng tại Mỹ, 52 bang của nước này đã quy định hình thức, màu sắc và thiết kế biển số khác nhau. Chẳng hạn, ở một số bang nhỏ như Delaware và Rhode Island chỉ sử dụng số trên biển trong khi ở California lại dùng cả chữ và số.


Nguồn: Báo Giao Thông

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm