VN-Index tăng mạnh sau đề xuất sửa quy định về trái phiếu doanh nghiệp

Các cổ phiếu đồng loạt tăng trên diện rộng, qua đó đưa chỉ số VN-Index lên trở lại trên ngưỡng 1.050 điểm sau khi thị trường đón nhận đề xuất sửa Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp. Sự thận trọng còn lớn.

Mở cửa phiên sáng 14/12, chỉ số VN-Index tăng khoảng 10 điểm, trở lại trên ngưỡng 1.050 điểm. Các cổ phiếu tăng trên diện rộng nhưng không mạnh. Thanh khoản ở mức khá thấp, đạt chưa tới 2.000 tỷ đồng vào lúc 9h47 phút, cho thấy các nhà đầu tư còn thận trọng trong tuần có nhiều sự kiện quan trọng.

Điểm nổi bật của thị trường là thông tin Bộ Tài chính đề xuất lùi thời điểm áp dụng Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong bối cảnh thị trường, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản, đang gặp khó khăn về thanh khoản.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65, từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024.

Theo Nghị định 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay. Trong khi trước đó, Nghị định cũ 153 chỉ yêu cầu nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ cần nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng, tức mang tính thời điểm.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện thay vì từ 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65.

Cổ phiếu tăng trên diện rộng sau một số thông tin tốt. (Ảnh: Hoàng Hà)

Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Việc gia hạn phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu lưu hành chấp thuận.

Trước đó, ngày 13/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 1163 yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Trước đó, ngày 12/12, Ngân hàng nhà nước thành lập Cục quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước để chuyên trách thực hiện công tác quản lý dự trữ ngoại hối trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Đêm 13/12 (giờ Việt Nam), giới đầu tư đón nhận thông tin tích cực về lạm phát Mỹ. Theo đó, Mỹ công bố CPI tháng 11 tăng 7,1%, thấp hơn mức 7,3% mà các nhà kinh tế dự báo và giảm mạnh so với mức tăng 7,7% của tháng 10. Lạm phát hạ nhiệt sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhẹ tay hơn trong các chính sách tiền tệ. Đồng USD có thể đi xuống tiếp, qua đó giảm áp lực lên hệ thống tài chính các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thị trường cũng được dự báo hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất chip khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự thận trọng với thanh khoản thấp trong bối cảnh phải đợi quyết định và tín hiệu từ Fed đêm 14/12 (giờ Việt Nam) và phiên đáo hạn phái sinh (15/12) cũng như quỹ ETF cơ cấu (16/12). Trước mỗi đợt đáo hạn phái sinh thị trường thường biến động nhiều.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh, đạt 25.838 tỷ đồng kể từ đầu tháng 11 tới ngày 13/12.

Trong nước, nỗi lo về giá cả leo thang còn. EVN cho biết muốn điều chỉnh tăng giá điện.

Theo Chứng khoán DSC, xét trong trung hạn, chỉ số đã vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm.

Còn Chứng khoán VCBS đánh giá chỉ số VN-Index cho tín hiệu đảo chiều tích cực khi chạm hỗ trợ quanh vùng 1.020 điểm nhưng gặp khó khăn lớn tại ngưỡng kháng cự cứng 1.080-1.100 điểm trong ngắn hạn.

Nguồn: vietnamnet.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm